Cách làm mứt dừa non sầu riêng
Cập nhật: 29/04/2020 - 11:06
( Lượt xem: 778 )
Trước khi làm món mứt dừa này, mình đã đọc tham khảo khá nhiều công thức phổ biến trên mạng nhưng kết quả mình làm hỏng đến 3 lần. Lần đầu, dùng 1kg dừa + 400g đường + 200g cơm sầu riêng, kết quả mứt không tới đường được, bị bết dính thành 1 cục như mứt dẻo. Rút ra kết luận từng ấy đường không đủ làm dừa tới nên lần thứ 2 mình tăng lên 550g đường, kết quả dừa có tới nhưng vẫn bị dẻo, ẩm, rít tay. Mình cố sên lâu hơn thì dừa bị sạm màu, đồng thời co dấu hiệu ra tinh dầu dừa. Lần thứ 3, mình tăng hẳn 800g đường thì mứt tới rất đẹp nhưng đường hơi bị vón cục bao quanh dừa khá nhiều do có sầu riêng. Chán quá, mình tính bỏ luôn nhưng rồi cảm thấy không cam tâm, mình lại thử. Lần này, rút kinh nghiệm từ 3 lần trước, mình tính toán cẩn thận, và thành công. Khỏi nói khi cầm miếng mứt dừa vàng óng, mềm mại mịn màng không hề bám đường hay bám sầu riêng lợn cợn, thơm nứt mùi sầu riêng và ngọt béo vừa phải mình sung sướng như thế nào. Dù rằng, nó làm mình mệt đến mức không còn đủ sức nhấc chân tay hay có ý định làm thêm bất kỳ loại mứt nào khác. Thôi thì năm nay, mình ăn tết “chuyên chính” với mỗi mứt dừa vậy. Các loại mứt hoa quả khác, mình hẹn đến Tết năm sau, nhé.
Hunnie Cake (Lambanhngon.com) -
Dạy làm bánh -
Đặt bánh cưới, sinh nhật
Nguyên liệu:
– 1kg cùi dừa non đã sơ chế
– 200g cơm sầu riêng
– 650g đường cát trắng
– 1 muỗng cà phê tinh chất vani (vanilla extract)
– 3 giọt màu vàng wilton
Cách làm:
– Dừa bào sợi, rửa sạch nhiều lần, trụng nhanh qua nước sôi rồi vớt ngay cho vào thau nước lạnh, đợi dừa nguội thì vớt ra để ráo.
– Ướp dừa với đường và 3 giọt màu wilton, để qua đêm.
– Cho 200 cơm sầu riêng vào máy xay, xay nhuyễn với 1 chén nước sau đó lọc qua rây để bỏ xơ và lợn cợn.
– Cho dừa đã ướp + nước đường vào chảo to, sên ở mức lửa vừa cho đến khi dừa sôi lục bục chừng 15 phút thì cho chén cơm sầu riêng đã xay nhuyễn vào, trộn đều. Đợi dừa sôi trở lại thì hạ lửa ở mức nhỏ nhất, sên cẩn thận và liên tục đảo đũa để mứt không bị khét dưới đáy chảo cho đến khi có được mứt dừa thành phẩm.
– Vì có thêm sầu riêng nên dừa cạn nước khá nhanh, nhưng từ khi dừa chuyển sang dẻo dính đến khi kết đường rất lâu, gần gấp đôi so với các loại mứt dừa khác nên cần kiên nhẫn và cẩn thận khi sên, tránh cho dừa bị khét hoặc gãy nát.
Ghi chú:
Cơ bản, 1 kg cơm dừa non chỉ có thể “ngậm” – tức là thẩm thấu 300g đường mà thôi, phần đường dư còn lại sẽ làm lớp áo bao bọc bên ngoài cọng dừa, giúp dừa khô ráo và bảo quản được lâu. Vì vậy, tùy loại mứt mà chúng ta cho phần đường dư ít hay nhiều. Với mứt dùa sầu riêng lượng đường dư cần khá nhiều vì cơm sầu riêng rất dẻo và dính. Sau khi sên xong, lượng đường dư trong chảo cũng nhiều gấp đôi phần đường dư của các loại mứt dừa khác, do đó, chúng ta không lo cho nhiều đường quá thì mứt sẽ quá ngọt. Thật ra, mứt ngọt là do công đoạn sên sau cùng, chúng ta sên không khéo, mứt bị dính chùm làm phần đường bám quanh không rơi ra được, khiến sau khi sao khô, mứt đóng đường – khi ăn, tất nhiên ta ăn luôn cả phần đường đóng cục nên ngọt là đương nhiên. Còn nếu sên đúng, nhanh tay và khéo, thì lượng đường tăng thêm chỉ khiến sau khi sên, đường dư phải đổ bỏ nhiều hơn mà thôi.