Những chiếc bánh hình vỏ sò xinh xắn có khởi nguồn từ một thị trấn nhỏ ở vùng Lorraine, miền đông bắc nước Pháp. Có nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử của những chiếc bánh Madeleine. Một trong số đó kể rằng cái tên rất đỗi ngọt ngào và nhẹ nhàng "Madeleine" được công tước xứ Lorraine đặt cho bánh theo tên người con gái đã làm ra chúng. Không biết thực hư câu chuyện ra sao, chỉ biết rằng cứ mỗi lần đọc tên bánh là một lần mình tưởng tượng ra khung cảnh tươi đẹp yên bình ở nước Pháp.
Bánh Madeleine được làm ra từ những nguyên liệu cơ bản, chỉ cần chú ý cẩn thận trong các khâu thao tác và chuẩn bị một chiếc khuôn sò dành cho loại bánh này. Tốt nhất nên mua khuôn kim loại, dù nặng nhưng bánh ra lò với lớp vỏ vàng óng ả và thường đạt độ nở chuẩn hơn. Bao giờ thật ổn định nơi ở rồi mình sẽ sắm một chiếc khuôn loại tốt cho Madeleine, chứ dùng khuôn silicone gọn nhẹ, không cần chống dính nhưng cảm giác bánh vẫn thiếu một chút gì đó. Nếu không có khuôn Madeleine, bạn có thể dùng các loại khuôn bánh nhỏ khác để thay thế và thử hương vị của bánh.
Công thức
Nguyên liệu:
(Cho 24 bánh lớn hoặc 50 bánh nhỏ - cỡ 3cm)
110 grams bơ nhạt
130 grams bột mì đa dụng
1/2 thìa cà phê bột nở
1/4 thìa cà phê muối
3 quả trứng, ở nhiệt độ phòng
80 grams đường trắng
30 grams đường nâu
1 thìa cà phê tinh chất vanilla
Một ít vỏ chanh vàng bào vụn (không bắt buộc)
Cách làm:
- Rây đều bột mì, bột nở và muối.
- Cho bơ vào một chiếc nồi nhỏ, để lửa vừa đun chảy bơ. Hoặc có thể đun chảy bơ trong lò vi sóng. Để sang bên.
- Trong một chiếc âu lớn, đập trứng và cho phần đường trắng, đường nâu vào. Dùng máy đánh trứng ở tốc độ cao (tốc độ 4, 5 ở máy đánh trứng cầm tay) đánh trong khoảng 8 đến 10 phút tùy độ mạnh của máy. Đánh đến khi được một hỗn hợp đặc mịn, nhạt màu.
- Chia phần bột mì đã rây đều ở bước 1 làm 3 phần. Cho từng phần bột vào hỗn hợp trứng, dùng cây trộn bột trộn nhẹ nhàng theo kỹ thuật "fold" - Xem video ở phần Lưu ý. cho đến khi hết phần bột và hỗn hợp vừa hòa quyện. Không nên trộn quá lâu và đánh mạnh tay khiến hỗn hợp bị xep.
- Lấy khoảng 3 thìa canh hỗn hợp trên cho vào phần bơ đã đun chảy đang còn ấm. Dùng phới lồng đánh đều tay cho hòa quyện. Bước này giúp công đoạn trộn đều bơ vào hỗn hợp trứng dễ dàng hơn.
- Từ từ đổ phần bơ đã trộn vào âu trứng. Dùng cây trộn bột (spatula) trộn đều nhẹ nhàng cũng với kỹ thuật "fold".
- Bọc kín bát bột, để vào ngăn mát tủ lạnh từ 1 đến 2 tiếng hoặc có thể để qua đêm.
- Khi bột đã nghỉ đủ thời gian, làm nóng lò ở nhiệt độ 180 độ C.
- Nếu dùng khuôn kim loại thì chống dính cho khuôn bằng cách phết một lớp mỏng bơ chảy lên bề mặt khuôn rồi áo một lớp bột mì. Dốc ngược khuôn, gõ nhẹ để bỏ phần bột thừa. Cho khuôn đã chống dính vào tủ lạnh khoảng 10 phút.
- Múc từng thìa bột vào chính giữa của từng phần vỏ sò. Không cần dàn đều, bánh sẽ tự chảy và tạo nên phần chóp nở phồng chính giữa.
- Cho khuôn vào lò nướng bánh trong khoảng 8 đến 10 phút. Chú ý canh để lấy bánh ra ngay khi bánh đã vàng đều.
- Dốc ngược khuôn bánh vừa lấy ra khỏi lò, gõ nhẹ xuống cạnh bàn để bánh tự rơi xuống.
- Nếu muốn có thể rắc một lớp đường bột lên bề mặt bánh trước khi thưởng thức.
Lưu ý
Kỹ thuật FOLD rất thường gặp trong làm bánh. Thường được dùng để trộn các nguyên liệu khác hay hỗn hợp nặng (như bột mì, lòng đỏ + bột mì) vào hỗn hợp nhẹ, nhiều bọt khí (hỗn hợp lòng trắng trứng đánh bông cho các công thức bánh bông lan hay hỗn hợp trứng nguyên quả đánh bông như trong công thức Madeleines). Do phải hạn chế làm vỡ bọt khí khiến hỗn hợp bị xẹp nên phần trộn bột cần được thực hiện cẩn thận, nhẹ nhàng. Cách tốt nhất để tự học kỹ thuật này là theo dõi các video hướng dẫn để dễ hình dung và thực hành theo. Dưới đây là 2 video mình tìm được trên mạng, hướng dẫn cụ thể và quay rõ ràng.
Hướng dẫn trộn - "fold" phần bột mì vào hỗn hợp trứng đã đánh.
Hướng dẫn trộn - "fold" phần hỗn hợp lòng trắng trứng đánh bông vào hỗn hợp lòng đỏ + bột. Từ phút 1:48 là kỹ thuật fold có thể dùng để áp dụng cho các loại nguyên liệu, hỗn hợp bánh khác nhau.